XU HƯỚNG ĐỊNH HÌNH SUY NGHĨ CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG NĂM 2020

Bước sang năm 2020, xu hướng tiêu dùng trên thế giới sẽ tiếp tục thay đổi một cách nhanh chóng. Người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn, có tâm lý phức tạp và hoài nghi về thế giới xung quanh nhiều hơn, do đó những chiến lược marketing cũ sẽ không còn tác động tốt và có sức ảnh hưởng mạnh đến họ nữa. Dưới đây là 4 xu hướng tiêu dùng có khả năng tác động lớn đến các doanh nghiệp trong năm 2020, góp phần mở ra những cách tiếp cận người tiêu dùng mới và những chiến lược kinh doanh mới cho các marketers. 

1. Không tin vào các thông điệp quảng cáo “xanh”

Khi những lo ngại về biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến sức khỏe của bản thân và gia đình nhiều hơn so với hai năm trước đây. Hơn 50% số người tiêu dùng được phỏng vấn nói rằng họ quan tâm đến vấn đề khí hậu, bên cạnh đó, có 59% người đang sống trong các cộng đồng từng đối mặt với các thiên tai, sự cố về khí hậu gần đây như cháy rừng hoặc lũ lụt. Nhìn chung, tất cả mọi người đều đồng thuận rằng biến đổi khí hậu đang là một vấn đề hết sức cấp bách trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên, họ sẽ không còn tin vào các thông điệp quảng cáo “xanh” hay các phong trào kêu gọi bảo vệ môi trường đến từ các doanh nghiệp lớn nữa. 

59% người tiêu dùng cho rằng, các doanh nghiệp lớn chính là những đơn vị gây ra vấn đề biến đổi khí hậu nhiều nhất. Họ không tin rằng đằng sau những lời kêu gọi kia, các doanh nghiệp này sẽ đứng ra giải quyết các vấn đề về khí hậu – trừ khi bị chính phủ ép buộc. Khác với trước đây – khi người tiêu dùng vẫn còn có thiện cảm với những doanh nghiệp hướng đến các hoạt động bảo vệ môi trường, hiện nay, các sáng kiến kinh doanh theo hướng này đến từ các doanh nghiệp lớn thường sẽ vấp phải sự hoài nghi, hoặc thậm chí là chỉ trích của người tiêu dùng. 

Người tiêu dùng tin vào hành động "xanh" hơn là doanh nghiệp "xanh"

2. Morphing Money (Khái niệm về tiền tệ và các hình thức thanh toán thay đổi)

Ngày nay, người tiêu dùng cũng có những khái niệm khác biệt về tiền tệ, muốn nắm quyền kiểm soát trong mọi việc và ưa chuộng những gì thuận tiện. Gen Z chính là nhóm người tiêu dùng đang đi đầu trong phong trào này khi thường xuyên sử dụng các hình thức thanh toán trên điện thoại cho đến tiền điện tử, ví điện tử và luôn cập nhật những phương thức quản lý tài chính khác nhau. 55% người tiêu dùng Gen Z cho rằng, việc sử dụng các nền tảng chuyển tiền trên ứng dụng di động như Momo, Grab by Moca, Internet Banking có tầm quan trọng ngang bằng so với việc sở hữu tài khoản ngân hàng hoặc tiền mặt. 

Các marketers cần nhận ra rằng, sự thay đổi này không chỉ đơn thuần cho thấy người tiêu dùng có xu hướng ưu chuộng hình thức thanh toán nào, mà còn là bước đầu của sự thay đổi nhận thức về tiền tệ trong xã hội. Vì vậy, doanh nghiệp cần hướng đến việc thay đổi thói quen tiêu dùng, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về giá trị của đồng tiền, đồng thời không ngừng nỗ lực cung cấp những trải nghiệm thân thiện và tiện lợi trong quá trình mua sắm cho họ.


Ví điện tử, tiền điện tử,.. đang là những xu hướng thanh toán mà Gen Z đang ưa chuộng

3. Ưa thích những trải nghiệm quen thuộc

Mệt mỏi và choáng ngợp khi đứng trước quá nhiều những sự lựa chọn trong đời sống từ ăn uống, đi lại cho đến học tập, giải trí, người tiêu dùng sẽ có xu hướng đón nhận những trải nghiệm quen thuộc bởi nó mang lại cảm giác thoải mái và thuận tiện hơn. 80% số người tham gia một khảo sát về hành vi của Gartner năm 2019 nói rằng, họ thường xuyên xem lại các chương trình truyền hình hoặc phim mà họ đã từng xem, trong đó có 20% số người lặp lại thói quen này mỗi ngày. 

Như vậy, người tiêu dùng đang ngày càng coi trọng sự thư giãn, tính đơn giản và dần ít quan tâm đến những điều mới mẻ và phức tạp. Các thương hiệu có thể tận dụng xu hướng này để đưa ra các chiến lược kinh doanh tập trung vào tính ổn định, góp phần tăng sự gắn kết và mang lại cảm giác quen thuộc cho người tiêu dùng. 

4. Chủ động tiếp nhận thông tin

Đây là một hành vi giúp người tiêu dùng giành lại quyền kiểm soát và quyền riêng tư của họ. Nó có thể là hành động đơn giản như điều chỉnh thông tin trên mạng xã hội để thay đổi bố cục/ phần hiển thị của bảng tin (news feeds), chặn quảng cáo, report tin, chặn tin nhắn SMS,…

Trước xu hướng này, các marketers cần cảnh giác hơn về kiến thức và kỹ năng công nghệ của người tiêu dùng trong bối cảnh hiện tại, lường trước những rủi ro mà doanh nghiệp có thể đối mặt trước những sự cố bị từ chối tiếp nhận thông tin. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần cân nhắc kỹ về lối tư duy và đặc điểm tâm lý phức tạp của người tiêu dùng hiện nay và các yếu tố văn hóa trước khi xây dựng những chiến lược kinh doanh và chiến lược marketing

Đăng nhận xét